Phân loại rác, Tái chế tái sử dụng, Tin tức

Giới thiệu về EPR là gì ?

Giới thiệu về EPR là gì ?

EPR là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Extended Producer Responsibility, có nghĩa là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo định nghĩa được Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đưa ra trong Công ước quốc tế về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (BASEL), EPR là cách tiếp cận chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR được thiết kế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm việc thu gom; tiền xử lý (vận chuyển, phân loại, tháo dỡ, làm sạch…); tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng), tiêu hủy. Nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm của mình thông qua cung cấp nguồn tài chính cần thiết và/hoặc trực tiếp tham gia vận hành quản lý chất thải rắn, có thể thực hiện riêng lẻ hoặc theo nhóm, tập thể.

Được triển khai đầu tiên tại châu Âu vào những năm 1990, sau 3 thập kỷ, EPR hiện đang được áp dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế , tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp. Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường, mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, kích thích sự đổi mới. EPR được coi là một công cụ quan trọng trong quản lý chất thải rắn, đồng thời được đánh giá là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Quy định pháp luật về EPR

Các nội dung liên quan đến EPR được quy định tại Chương Quản lý chất thải trong Luật Bảo vệ môi trường 2005 (Chương VIII) và Luật Bảo vệ môi trường 2014 (Chương IX). Mặc dù dưới các luật này có các văn bản hướng dẫn thực hiện, việc triển khai EPR trong thực tế hầu như thu được kết quả rất hạn chế. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung các điều chỉnh và quy định cụ thể hơn về EPR.

Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, EPR được quy định tại hai điều 54 và 55. Điều 54 quy định Trách nhiệm tái chế chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Điều 55 quy định Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Các điều khoản này được hướng dẫn chi tiết tại Chương VI Nghị định số 08/2022/NĐ-TTg. Cụ thể, các điều từ 77 đến 82 của Nghị định quy định nội dung liên quan đến Trách nhiệm tái chế chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì, gồm đối tượng, lộ trình thực hiện, tỉ lệ tái chế, quy chế tái chế bắt buộc, các hình thức thực hiện, đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế, đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và thực hiện hỗ trợ hoạt động tái chế. Các điều từ 83 đến 85 của Nghị định quy định chi tiết về Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, gồm: đối tượng và mức đóng góp tài chính, trình tự thực hiện, thực hiện hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải.

Các mẫu biểu đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế, kê khai đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được quy định tại các Điều 78, 79 của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm tuân thủ EPR của doanh nghiệp, đồng thời, được điều chỉnh bởi Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự kiến được ban hành trong năm 2022.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ EPR QUỐC GIA

Related Posts