Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo phổ biến và tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận chính sách môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời sản phẩm đó. Nếu không tuân thủ quy định tái chế trong vòng đời sản phẩm này, cá nhân, doanh nghiệp sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì; xử lý chất thải.
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp có các hành vi như:
- Không công khai, cung cấp thông tin về sản phẩm, bao bì;
- Vi phạm quy định thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức tái chế;
- Vi phạm quy định về thực hiện tỷ lệ tái chế bắt buộc;
- Vi phạm quy định nộp đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế,
–> có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 2 tỷ đồng và buộc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ngoài hình phạt tiền, doanh nghiệp đó còn buộc phải cung cấp thông tin, công khai thông tin; buộc chấm dứt hợp đồng và công khai thông tin vi phạm.
Với các hành vi vi phạm vi phạm quy định đáp ứng yêu cầu thực hiện tái chế như:
- Ký hợp đồng thực hiện tái chế với nhà sản xuất, nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu;
- Ký hợp đồng ủy quyền tổ chức tái chế với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu;
- Sử dụng phế liệu nhập khẩu để tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu;
- Sử dụng một kết quả tái chế để ký hợp đồng với nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc sử dụng một kết quả tái chế để vừa ký hợp đồng với nhà sản xuất, nhập khẩu và vừa đề nghị được hỗ trợ tái chế,
–> doanh nghiệp có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Chấm dứt hợp đồng; Xoá tên khỏi danh sách tổ chức, đơn vị tái chế, tổ chức được ủy quyền tái chế; Công khai thông tin vi phạm.
Toàn cảnh hội thảo
Riêng với các hành vi vi phạm quy định thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải như:
- Kê khai sai, kê khai thiếu thông tin trong bản kê khai đóng góp tài chính;
- Nộp bản kê khai đóng góp tài chính quá thời hạn quy định;
- Kê khai sai, kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực số tiền phải đóng góp,
–> doanh nghiệp có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng và phải nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường để thực hiện trách nhiệm vi phạm; Công khai thông tin vi phạm.
Bên cạnh đó, nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT đã đưa ra các quy định cụ thể về việc sử dụng khoản tiền đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của các doanh nghiệp khi thực hiện EPR. Khoản tiền này sau khi trích chi phí quản lý hành chính theo quy định được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp tái chế các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Mỗi doanh nghiệp tái chế được hỗ trợ chi phí tái chế 1 lần/năm thông qua hợp đồng hỗ trợ tái chế. Doanh nghiệp tái chế không được tái chế thấp hơn khối lượng đề nghị hỗ trợ. Và, việc hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng tái chế hoàn thành của doanh nghiệp tái chế nhưng không bao gồm khối lượng tái chế không đạt quy cách tái chế bắt buộc quy định.
Phúc Khang