Tái chế tái sử dụng, Tin tức

Tổ chức Trách nhiệm tái chế của Nhà sản xuất PRO

Tổ chức Trách nhiệm tái chế của Nhà sản xuất PRO, hay còn gọi là tổ chức trách nhiệm nhà sản xuất Producer Responsibility Organization – PRO

Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm báo cáo thông tin dự kiến về số lượng, khối lượng, chủng loại của từng sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu vào năm sau để có cơ sở thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Sau khi thực hiện EPR, doanh nghiệp báo cáo có kiểm toán số liệu thực tế để xác định việc hoàn thành nghĩa vụ của mình. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các doanh nghiệp thường uỷ quyền cho một Tổ chức thực hiện Trách nhiệm của Nhà sản xuất (Producer Responsibility Organization – PRO) để tối ưu hoá chi phí cho việc vận hành và báo cáo của mình. Ở Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì (PRO Việt Nam) hay Việt Nam Tái Chế là một ví dụ về tổ chức này đã được thành lập để đón đầu và hỗ trợ các thành viên trong liên minh thực hiện nghĩa vụ EPR khi quy định có hiệu lực pháp luật.

Nghĩa vụ quan trọng nhất mà nhà sản xuất, nhà nhập khẩu là đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc và phải tái chế theo đúng quy cách. Do vậy, nhà sản xuất cần tìm ra các biện pháp để đáp ứng quy định này. Như đề cập ở trên, việc ủy quyền cho bên thứ 3 thực hiện là đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, nếu tự tổ chức tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế thì phải lựa chọn kỹ các đơn vị tái chế đủ điều kiện và đủ năng lực để thực hiện, đặc biệt là phải có được mạng lưới thu gom sản phẩm, bao bì sau sử dụng hiệu quả nhất hoặc thông qua hệ thống đồng nát hoặc thiết lập các điểm tiếp nhận sản phẩm, bao bì sau sử dụng ….

Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cũng cần tham gia tích cực vào quá trình xác định tỷ lệ tái chế, định mức chi phí tái chế thông qua việc cử đại diện của mình vào Hội đồng EPR Quốc gia. Tỷ lệ tái chế và định mức chi phí tái chế được công bố định kỳ 3 năm một lần. Đây chính là quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp một mặt nó bảo đảm sự đồng thuận trong xác định tỉ lệ tái chế và định mức chi phí tái chế mặt khác nó bảo đảm sự khả thi trong thực hiện bởi chính nhà sản xuất, nhà nhập khẩu là người trực tiếp thi hành quy định này.

Mặc dù các ngành hàng đều thể hiện sự sẵn sàng thực hiện EPR nhưng để triển khai được trên thực tế thì còn phải thiết lập hệ thống vận hành, các ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hệ thống; nâng cao nhận thức để các doanh nghiệp thực hiện đồng bộ; thúc đẩy thực hiện hiệu quả chính sách thu phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng; thúc đẩy sự hình thành công nghiệp tái chế hiện đại và chuyên nghiệp… do vậy, các quy định này cần được các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành; các cấp chính quyền quyết tâm trong triển khai đồng bộ các giải pháp về phân loại và thu gom tái chế- xử lý; đặc biệt là cần sự ủng hộ của nhân dân trong triển khai việc phân loại rác tại nguồn và nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất.

Cơ chế chung của EPR và một số đặc thù

Tổ chức thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (PRO: Producer Responsibility Organisation) là trung tâm của hệ thống. Tổ chức này thay mặt nhà sản xuất để tổ chức việc thu gom, tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến trách nhiệm tái chế như đăng ký, báo cáo kết quả tái chế, thực hiện việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác tại nguồn ….Tùy vào thực tiễn của các nước mà các PRO được tổ chức thành các loại khác nhau:

– Hàn Quốc thì PRO của ngành bao bì là KPRC do các nhà sản xuất nước đóng chai, mặt hàng đóng gói, bao bì lập ra theo quy định của Luật đóng gói. KPRC có chức năng tài chính, cân đối tài chính để thu tiền của các nhà sản xuất các mặt hàng đóng gói (nước uống đóng chai, vỏ hộp, bao bì), họ lập ra KORA (theo quy định của Luật đóng gói) để thực hiện các hoạt động mang tính chuyên môn, kỹ thuật để tổ chức tái chế như lựa chọn nhà tái chế. Như vậy, do đặc thù của ngành bao bì có rất nhiều thành viên và sản phẩm có số lượng lớn, đa dạng nên họ tách PRO thành hai tổ chức riêng biệt trong đó KPRC thu tiền từ nhà sản xuất và trả tiền cho KORA để KORA đứng ra tổ chức việc tái chế theo quy định.

Các ngành hàng khác như pin, ắc quy, săm lốp, đồ điện tử thì PRO vừa có chức năng tài chính vừa có chức năng về chuyên môn, kỹ thuật trong việc tổ chức tái chế do các mặt hàng này có số lượng và chủng loại không lớn và đa dạng như mặt hàng đóng gói, bao bì.

– Ở Đài Loan thì PRO chính là Quỹ tái chế do Nhà nước lập ra, là PRO chung cho tất cả các ngành hàng có sản phẩm phải thu hồi để tái chế.

Related Posts