GRAC – ứng dụng thu gom rác thải – do một hợp tác xã thu gom rác dân lập tại TP.HCM tự mày mò phát triển, hướng dẫn và thúc đẩy người dân phân loại rác mà đích đến là một… đô thị không rác. Ý tưởng khởi nghiệp này đã ra đời từ năm 2018.
Hành trình số hóa rác thải khá gian nan với một thành phố cả chục triệu dân, thải ra hàng chục ngàn tấn rác mỗi ngày và GRAC vẫn cần mẫn thu thập dữ liệu liên quan.
Khởi nghiệp với rác
“Nhà tôi có rèm cửa không dùng nữa, ai cần đến lấy nhé”, “Mình sắp chuyển nhà nên có bộ bàn ghế không dùng, bạn nào có nhu cầu thì đến nhà mình tặng”, “Cần thu gom cái ghế”, “Cần thu gom pin thải”…
Đó là lịch đặt thu gom từ một số hộ dân đăng ký thử nghiệm đặt lịch thu gom rác qua app GRAC. Đi kèm dòng tin nhắn là địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh vật dụng hoặc rác cần thu gom, cho tặng. Lịch đặt cũng được cập nhật các trạng thái: chưa xử lý, hoàn thành.
Với đồ đạc còn dùng được, người cần sẽ liên lạc đến nhận thay vì mang ra bãi rác hoặc chôn lấp. Thậm chí một tiệm sofa có thể trưng dụng những chiếc sofa cũ để tái chế.
GRAC là cách viết tắt của “Gom Rác”, ban đầu chỉ là một ứng dụng cá nhân được anh Nguyễn Trọng Minh (một kỹ sư môi trường) xây dựng và thử nghiệm từ năm 2018.
Hiện người dân một số quận, huyện có thể sử dụng chức năng thử nghiệm đầu tiên của GRAC: đặt lịch đổ rác và trả phí qua ví điện tử MoMo.
Và GRAC đã được tách ra thành một dự án khởi nghiệp, đang trong quá trình liên kết với các quận huyện để có dữ liệu nạp vào hệ thống.
Mà việc này nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan tâm đến lĩnh vực môi trường, quản lý rác thải của người phụ trách ở địa phương.
“Như địa bàn quận 3, Gò Vấp hiện dữ liệu đã có phần lớn trên hệ thống. Người dân gõ địa chỉ nhà mình trên app sẽ được cấp mã khách hàng tương ứng và dùng mã đó thanh toán tiền rác online trên MoMo”, anh Minh chia sẻ.
Trong tương lai, việc số hóa dữ liệu hoàn thiện sẽ giúp kết nối giữa hộ dân, đơn vị thu gom và chính quyền.
Đặc biệt là việc kết nối các tổ chức tái chế rác thải, các liên minh về xử lý và thu hồi rác thải vào hệ thống. Từ đó giúp giảm thiểu thời gian, chi phí vận hành và tăng tỉ lệ tái chế. Như muốn bỏ cái ghế sofa, người dân gọi đến đơn vị thu gom mô tả kích thước, khối lượng, cung cấp địa chỉ nhà và số điện thoại.
Nhưng có app, họ chỉ cần để lại các thông tin, rồi đơn vị thu gom liên hệ, lên lịch đến lấy. Với rác thải độc hại như pin, đồ điện tử sẽ có các đơn vị, liên minh xử lý rác thải độc hại thu gom…
Trách nhiệm với rác
Bắt tay xây dựng app với cơ sở dữ liệu từ con số 0. Việc quản lý hộ dân vẫn theo sổ sách thủ công.
Giá rác mỗi nơi mỗi giá, có nơi còn chưa ban hành giá thu gom rác. Và người dân chỉ biết mang rác ra trước nhà, hằng tháng có người tới thu tiền, giá nào biết giá đó.
Với anh Minh, viết app mới là bước nhỏ trong hành trình chuyển đổi số rác thải. Việc sử dụng app với người dân đến các đơn vị quản lý, thu gom rác đều tự nguyện nên mọi thứ với GRAC đều rất chật vật.
Chính anh Minh đã giới thiệu app ở nhiều nơi và đến nay có bảy quận huyện đã liên kết, sử dụng app.
“Có một vài tỉnh thành khác đã liên hệ với GRAC, có thể áp dụng cho địa phương, nhưng tôi muốn làm tốt ở một số quận huyện trong TP.HCM trước, khi vận hành tốt sẽ chuyển giao cho các tỉnh thành”, anh Minh nói.
Thay đổi thói quen phân loại rác và trả phí tương xứng với rác thải vẫn còn khá xa lạ với người dân. Chưa kể, nhiều người đều nghĩ phải trả phí cho thứ bỏ đi là không đáng nên thường kêu xe ba gác chở đi.
Nhưng họ có chở đến bãi rác đâu, cũng không có quyền vào đấy nên hay bỏ đại ở một nơi vắng vẻ nào đó. “Với nhiều người, chỉ cần rác không còn ở trong nhà là xong. Nên xuất hiện những bãi rác tự phát từ chân cầu, bãi đất trống, công viên là thế”, anh Minh nêu thực tế.
Tương lai cho rác thải
Thống kê mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 10.000 tấn rác thải. Trong đó, khoảng 70% được chôn lấp, tạo nên các bãi chôn lấp khổng lồ, ảnh hưởng môi trường và đời sống bà con ở các khu dân cư gần đó.
Hiện nay, GRAC hỗ trợ công tác phân loại rác tại nguồn với hướng dẫn phân loại rất chi tiết. Từng loại rác nếu được phân loại thống nhất và đồng bộ cho toàn TP sẽ là nền tảng để tái chế, hạn chế chôn lấp, lãng phí tài nguyên.
Nguồn: Tuổi trẻ online