Tổ chức trách nhiệm nhà sản xuất (PRO) là gì ? Tổ chức Pro là gì ?
PRO viết tắt của chữ Producer Responsibility Organisation. Là đơn vị tập thể được các công ty có nghĩa vụ lập ra hoặc được thành lập theo luật. Đơn vị này chịu trách nhiệm thu gom và xử lý rác của các công ty có nghĩa vụ đơn lẻ.*PRO là tác nhân (tổ chức) quan trọng nhất trong hệ thống EPR, chịu trách nhiệm thành lập, phát triển và duy trì hệ thống cũng như thực hiện trách nhiệm của các công ty có nghĩa vụ.
Thuật ngữ khác:
- Trách nhiệm riêng của nhà sản xuất (IPR – Individual producer responsibility): Mỗi nhà sản xuất đơn lẻ chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải phát sinh từ sản phẩm riêng của họ.
- PRO trong bài viết này không phải là để chỉ Tổ chức Tái chế Bao bì (Bao bì Recycling Organization)
Hệ thống EPR chuyển giao trách nhiệm quản lý chất thải của nhà sản xuất và nhập khẩu cho bên thứ ba trong hệ thống EPR, đó là PRO hoặc Tổ chức vận hành hệ thống chung. Với cơ chế này, PRO có trách nhiệm tổ chức mọi hoạt động quản lý chất thải trong hệ thống. Khi PRO đứng ra tổ chức quản lý chất thải bao bì chung cho các công ty tham gia hệ thống thì sẽ không cần tiến hành phân loại theo nhãn hàng nữa. Nhờ vậy, có thể giảm đáng kể chi phí và vấn đề hậu cần liên quan đến quản lý chất thải. Vì vậy, ở hầu hết các nước, chất thải bao bì hộ gia đình được quản lý bằng hệ thống EPR dựa trên trách nhiệm chung.
Xây dựng Tổ chức trách nhiệm nhà sản xuất – PRO như thế nào ?
Chính phủ các nước trên thế giới hiện đều đang tìm cách chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn để khuyến khích sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giảm thiểu tác động của biến đối khí hậu và ngăn ngừa ô nhiễm. Đồng thời, các tác nhân thuộc khu vực tư nhân ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của họ trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa. EPR ngày càng được công nhận là một công cụ hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và nhiều nước đang hành động để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Xây dựng và vận hành hiệu quả một Tổ chức trách nhiệm nhà sản xuất (PRO) là một trong những yếu tố chính của quá trình này.
Vai trò của PRO
Trong cơ chế EPR, các công ty phải chịu trách nhiệm riêng hoặc chung về chất thải của họ. Do việc giám sát và vận hành hệ thống xây dựng trên cơ sở trách nhiệm riêng khó khăn hơn, nên mô hình trách nhiệm chung phổ biến hơn. Hệ thống dựa trên trách nhiệm chung đòi hỏi phải có một tổ chức giữ vai trò trung tâm trong hệ thống EPR để điều phối hoạt động của hệ thống. Tổ chức này được gọi là PRO hoặc nhà vận hành hệ thống và đảm nhận thực hiện trách nhiệm của các công ty có nghĩa vụ theo cơ chế trách nhiệm tập thể. Điều này cho phép các công ty có nghĩa vụ cùng chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ và chất thải bao bì mà họ tạo ra thông qua PRO.Theo cơ cấu này, PRO trở thành đơn vị trung tâm tổ chức tất cả các hoạt động gắn với hệ thống EPR. Cụ thể, PRO là:
- Tác nhân vận hành hệ thống quan trọng nhất (dưới hình thức một tổ chức)
- Chịu trách nhiệm thành lập, phát triển và duy trì hệ thống kinh tế tuần hoàn
- Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thu hồi chất thải bao bì của các công ty có nghĩa vụ
- Chịu trách nhiệm truyền thông, cung cấp thông tin và nghiên cứu – phát triển
PRO phải thực thi mọi trách nhiệm của mình và việc thực thi này phải chịu sự giám sát, thường do Bộ Môi trường (ở các nước) hoặc một bên thứ ba do Bộ chỉ định đảm nhiệm. Tuy nhiên, để đảm bảo cạnh tranh công bằng, các công ty trả phí khi tham gia hệ thống được có đại diện trong các ủy ban giám sát.
Các hệ thống EPR và PRO có thể được tổ chức trên cơ sở tự nguyện hoặc bắt buộc. Tuy nhiên, theo định nghĩa, cơ chế EPR tự nguyện rất hạn chế về quy mô do không có khung pháp lý được áp dụng để đảm bảo sự tuân thủ quy định và đảm bảo các nguồn tài chính đáng tin cậy. Thông thường, chỉ có một vài công ty tham gia vào cơ chế tự nguyện như vậy, điều này làm hạn chế quy mô và số lượng dự án mà doanh nghiệp có thể thực hiện. Cơ chế tự nguyện cũng có thể khiến cạnh tranh không lành mạnh vì không đảm bảo sân chơi công bằng.
Nhiệm vụ của PRO
Nhiệm vụ chung của PRO về cơ bản là giống nhau trong tất cả các hệ thống EPR, dù điều kiện cụ thể có thể khác nhau. Nhiệm vụ của PRO thường bao gồm:
- Đăng ký cho các công ty có nghĩa vụ (phối hợp với các cơ quan giám sát). Để duy trì sân chơi công bằng và tránh trường hợp có nghĩa vụ mà không đóng phí, tất cả các công ty có nghĩa vụ đều cần phải đăng ký. “Các công ty có nghĩa vụ” phải đăng ký được định nghĩa là những công ty đưa hàng hóa đóng gói ra thị trường để bán và tiêu thụ tại nước có liên quan, nghĩa là bao bì của các công ty này cần được quản lý tại nước đó.
- Thu và quản lý toàn bộ phí do các công ty có nghĩa vụ nộp và đảm bảo khoản phí là công bằng để không làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các công ty tham gia hệ thống.
- Quản lý đấu thầu và các hợp đồng liên quan đến tất cả các hoạt động trong hệ thống EPR (ví dụ: thu gom, phân loại và tái chế chất thải bao bì)
- Lập hồ sơ dữ liệu về thu gom, phân loại và tái chế chất thải bao bì
- Cung cấp thông tin và hướng dẫn cho tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng về tầm quan trọng của hệ thống quản lý chất thải thân thiện với môi trường, bao gồm cả các khía cạnh như phân loại rác.
- Giám sát tất cả các dịch vụ đã giao cho các nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là giám sát các công ty quản lý chất thải thực hiện nhiệm vụ thu gom và tái chế
- Cấp kinh phí cho tất cả các hoạt động vận hành của PRO sử dụng nguồn tài chính do các công ty có nghĩa vụ đóng góp.
- Cung cấp hồ sơ chứng từ cho các cơ quan giám sát: PRO cần chứng minh mình đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm và sử dụng phí mà các công ty có nghĩa vụ đã đóng theo đúng thỏa thuận
Các lựa chọn khi thiết lập PRO
Cách thức PRO thực hiện các nhiệm vụ của mình phụ thuộc nhiều vào cơ cấu thiết lập PRO. Các điểm khác biệt chính liên quan đến cơ cấu PRO thường là:
- PRO do nhà nước quản lý hay doanh nghiệp quản lý
- PRO mang tính phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận
- Chỉ có một PRO duy nhất hay có nhiều PRO cùng hoạt động trong một hệ thống EPR
- PRO quản lý tất cả các loại bao bì hay chỉ một số loại bao bì nhất định
Kinh nghiệm ở một số nước châu Âu cho thấy không có một cơ cấu PRO cụ thể nào đảm bảo sự thành công, mà thành công phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức phù hợp, nguồn tài chính, quản trị, cơ chế giám sát và thực thi hệ thống EPR hiệu quả.
Ai nên là thành viên của PRO?
Hầu hết PRO là do doanh nghiệp quản lý, tức là PRO được các công ty, hiệp hội hoặc các tổ chức khác thuộc khu vực tư nhân thành lập. Các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò giám sát PRO, nhưng không giám sát việc PRO triển khai hệ thống EPR. PRO cũng có thể là một cơ quan nhà nước, như một Vụ/ Cục trong một Bộ. Nhưng mô hình PRO do doanh nghiệp quản lý thường được ưu tiên triển khai hơn mô hình PRO do nhà nước quản lý, vì PRO do nhà nước quản lý và hệ thống thuế có liên quan chặt chẽ với nhau sẽ làm tăng nguy cơ sử dụng quỹ tài chính cho các mục đích khác.
Giải pháp thúc đẩy các công ty chịu trách nhiệm về chất thải cũng gần với ý tưởng ban đầu về trách nhiệm của nhà sản xuất. Trong trường hợp PRO do nhà nước quản lý, cần quy định rõ cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm về hệ thống EPR.
Nguồn: PREVENT Waste Alliance