Quản lý rác thải, Tái chế tái sử dụng, Tin tức

Nghề đồng nát ve chai với cơ chế EPR

Nghề đồng nát, nghề ve chai, nghề thu gom rác tái chế, thu gom phế liệu với cơ chế EPR

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.

Là một chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, EPR yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về tác động tới môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra trong suốt chuỗi cung ứng, từ giai đoạn thiết kế đến thải bỏ. Với cách tiếp cận này, EPR được chứng minh là có hiệu quả trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính và/ hoặc một phần trách nhiệm quản lý chất thải rắn từ chính quyền địa phương và người nộp thuế nói chung sang cho nhà sản xuất; Thúc đẩy cải tiến sản phẩm theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, giảm sử dụng các dạng nguyên liệu độc hại, khó tái chế, tối ưu hóa thiết kế thuận tiện cho việc thu gom, phân loại, tháo dỡ và tái chế… (thiết kế vì môi trường); Giúp tiết kiệm tài nguyên thông qua giảm chất thải, tăng tái chế (kinh tế tuần hoàn); Tạo ra các cơ hội kinh tế trong suốt các giai đoạn khác nhau của vòng đời sản phẩm, đặc biệt là ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường trong quản lý và xử lý chất thải.

Bên cạnh việc đảm bảo hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, EPR cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp tái chế và tạo ra sinh kế bền vững cho người lao động chính thức và phi chính thức trong việc xử lý rác thải.

Mặt khác, xây dựng một ngành công nghiệp tái chế và xử lý chất thải bài bản và chuyên nghiệp, người lao động trong lĩnh vực này cũng sẽ được nhìn nhận đúng với vai trò, với sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của họ.

Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang gánh phần công việc ngày càng nặng và độc hại, với mức lương vô cùng ít ỏi. Cơ chế EPR sẽ giúp ích được gì cho họ?

Lượng rác thải tăng cao thì công việc của họ sẽ tăng lên. Ngoài ra cũng ngày càng có ít người muốn làm nghề công nhân vệ sinh môi trường khiến lực lượng lao động ngày càng mỏng đi.

Thực tế, người công nhân vệ sinh phải kiếm thêm thu nhập bằng cách thu gom và bán lại rác thải có giá trị, bởi chỉ nếu mỗi lương thì họ không sống nổi.

Cơ chế EPR được quy định ở điều 54 và 55 ở Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó điều 55 quy định các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu những mặt hàng độc hại, khó xử lý, không có giá trị tái chế phải đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Nguồn tiền huy động được sử dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp làm về môi trường, xử lý rác thải.

Như vậy, các công ty môi trường đô thị cũng có thể nhận được khoản trợ cấp này, từ đó có thể thêm phần tiền để chi trả lương cho công nhân hoặc trang bị thêm bảo hộ lao động.

Vậy còn khu vực phi chính thức sẽ được hưởng lợi như thế nào? Vai trò của khu vực này sẽ thay đổi ra sao khi ban hành cơ chế EPR.

Khu vực phi chính thức trong câu chuyện rác thải có rất nhiều thành phần, từ những chị, những cô đi thu gom phế liệu lẻ mà ta quen gọi là đồng nát, ve chai, cho tới những đại lý thu gom. Tại các đại lý, phế liệu được rửa sạch, ép khối và chuyển đến các làng nghề tái chế.

Khi thu gom, tái chế bắt buộc, lực lượng phi chính thức này cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn. Theo đó, doanh nghiệp phải đầu tư các khoản cho các công trình xử lý, thu gom chất thải, đồng thời cạnh tranh nhau trong việc thu gom. Như vậy, giá phế liệu sẽ tăng lên, góp phần tạo thêm thu nhập cho đồng nát, ve chai.

Vai trò của người thu gom phi chính thức cũng nâng cao hơn, do không chỉ đảm nhiệm việc thu gom phế liệu, họ sẽ thu gom cả những rác thải kém giá trị, những loại rác thải trước nay chẳng ai thèm để tâm, nhưng cơ chế EPR sẽ áp trách nhiệm cho doanh nghiệp đối với loại rác thải này.

Tuy nhiên, EPR hướng tới việc các làng nghề tái chế sẽ dần dần bị loại bỏ. Bởi vì cơ chế EPR chỉ dành quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế có giấy phép môi trường, có máy móc, trang thiết bị và đầu ra đạt chuẩn, có đầu tư bài bản về hệ thống xử lý ô nhiễm.

Như vậy, những làng nghề phải lựa chọn hoặc thành lập doanh nghiệp, hoặc chuyển sang chỉ thu gom, phân loại và bán lại cho doanh nghiệp tái chế. Nếu chỉ thu gom thì các làng nghề này cũng không gây ô nhiễm như trước nữa.

Thực tế, việc ngừng tái chế ô nhiễm cũng chính là lợi ích lớn mà cơ chế EPR tạo ra cho người lao động làm việc ở các làng nghề hiện nay, bởi không ai khác, chính họ, gia đình họ là người phải chịu sự ô nhiễm.

Trong đại dịch Covid-19, người đồng nát, ve chai hay các làng nghề tái chế, do tính chất phi chính thức, cũng rất ít nhận được hỗ trợ, dù công việc của họ cũng hầu như bị đóng băng hoàn toàn trong các đợt giãn cách.

Thu gom đồng nát, phế liệu: Mắt xích yếu thế trong kinh tế tuần hoàn

Từ nhiều năm nay, những người hành nghề đồng nát, ve chai, thường là phụ nữ trong độ tuổi 35 – 40 đổ lên, với chiếc xe đạp cà tàng đã trở thành hình ảnh rất đỗi quen thuộc, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh.

Với nghề mưu sinh là thu mua, lượm lặt những vật liệu có thể tái chế như giấy, nhựa, kim loại từ chất thải phát sinh từ hộ gia đình hay các trường học, công sở, cửa hiệu và thậm chí là cả những bãi tập kết rác, nhóm thu gom rác thải phi chính thức này đang âm thầm góp công sức phân loại rác và đưa rác trở thành đầu vào cho sản xuất. Vai trò của người thu gom đồng nát, ve chai ngày càng quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Lực lượng vệ sinh đô thị cho biết những người đồng nát đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động thu gom rác thải của các công ty môi trường, đặc biệt khi lượng rác thải phát sinh ngày càng quá tải.

Tuy nhiên, vai trò của khu vực phi chính thức vẫn còn bị xem nhẹ trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế tuần hoàn. Công việc đồng nát, ve chai bị coi là lao động tự phát, với mức thu nhập không đảm bảo, không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động hay đào tạo, tập huấn kỹ năng.

Một nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại thành phố Đà Nẵng cũng chỉ ra, nhiều người thu gom rác phi chính thức cảm thấy “bị bỏ rơi” trong tình cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19, khi không nằm trong nhóm được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đối với xã hội, ngoài việc tôn trọng và dành sự quan tâm nhất định cho người thu gom rác, chúng ta cần thay đổi cả cách ứng xử đối với rác thải. Thói quen hiện nay ở Việt Nam là vứt rác vào chung một thùng. Vứt rác vào thùng thôi là đã tốt lắm so với việc ném bừa bãi, vứt lung tung rồi. Tuy nhiên cần phải phân loại, thậm chí phải xử lý sơ, tức là rửa sạch rác tái chế trước khi vứt, giống như nhiều nước phát triển đang thực hiện.

Trong chương trình có hoạt động dành cho những người thu gom rác phi chính thức như tuyên truyền an toàn lao động hay phát những phần quà cho người đồng nát, ve chai. Quà nhỏ thôi, chỉ có chai dầu tắm, tuýp kem đánh răng hay chiếc áo phản quang có túi trong, túi ngoài để đựng tiền, đựng điện thoại.

Related Posts