Tin tức

Grac tuyền truyền Luật BVMT, phân loại rác thải P.5 Q. Tân Bình

Thực hiện kế hoạch số 218/KH-UBND ngày 01/11/2023 của Ủy ban nhân dân Phường 5 về tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, chất thải rắn tại nguồn.

Ngày 08/11/2023 vào lúc 14 giờ 00 tại Hội trường Ủy ban nhân dân Phường 5 quận Tân Bình, ông Nguyễn Khắc Hiền – đại diện Công ty cổ phần công nghệ Grac thực hiện tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, chất thải rắn tại nguồn đến người dân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh phòng trọ, cho thuê phòng, nhân dân trên địa bàn phường.

Qua buổi tuyên truyền giúp các người dân hiểu rõ các quy định pháp luật về Luật Bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, chất thải rắn tại nguồn. Nội dung buổi tập huấn phân loại rác bao gồm:

1️⃣ Hiện trạng, nguyên nhân rác thải hiện nay, giới thiệu về chất thải rắn sinh hoạt và lý do cần tập huấn phân loại rác.

2️⃣ Giới thiệu các loại chất thải như: Chất thải có khả năng tái sử dụng – tái chế, chất thải còn lại, chất thải cồng kềnh, chất thải nguy hại.

3️⃣ Cách xử lý chất thải đúng cách: Hướng dẫn về việc sử dụng các phương pháp tái chế và các biện pháp quản lý chất thải để đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm.

4️⃣ Lợi ích tích cực của việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. 

Phân loại rác thải gồm:

  • Thức ăn.
  • Các loại thực phẩm thải bỏ.
  • Rau củ quả các loại bị hỏng.
  • Thuộc chất thải thực phẩm có thể tiến hành ngâm ủ làm phân bón cho cây trồng.
  • Các loại rác thải như: túi ni lông, vỏ chai nhựa, vỏ hộp sữa, hộp nhôm, vỏ chai thủy tinh; giấy, báo các loại thuộc chất thải có khả năng tái sử dụng, hoặc tái chế…

Đối với rác thải nguy hại tại gia đình như: Pin; bình ắc quy đã qua sử dụng; bóng đèn hư, cũ; vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại; chất thải điện tử cần được thu gom chuyển đến nơi thu hồi theo hướng dẫn.

Đối với rác cồng kềnh: cần thu gom riêng và tập kết về nơi xử lý theo quy định. Tránh vứt bừa bãi hoặc ném ra môi trường gây ô nhiễm.

quang cảnh buổi tập huấn quang cảnh buổi tập huấn

 

Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.