Quản lý rác thải, Tin tức

Điều kiện hành nghề doanh nghiệp thu gom rác thải sinh hoạt

Điều kiện hành nghề doanh nghiệp thu gom rác thải sinh hoạt áp dụng đối với các công ty công ích, công ty tư nhân, hợp tác xác thu gom rác thải sinh hoạt. Quy định này được nêu ra với mục đích:

  • Hộ gia đình, chủ nguồn thải đánh giá năng lực nhà thầu đang thu gom rác thải sinh hoạt tại địa phương.
  • Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát các tư cách pháp nhân đủ điều kiện thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Đặc biệt là UBND cấp xã, UBND cấp huyện.

Đối với ngành nghề thu gom chất thải nguy hại thì đòi hỏi phải có giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nội dung bài viết này không áp dụng đối với thu gom chất thải nguy hại mà chỉ áp dụng với việc thu gom rác thải sinh hoạt.

Điều kiện kinh doanh thu gom rác thải sinh hoạt là gì ?

  1. Doanh nghiệp phải được cấp phép tiến hành thu gom rác thải trong giấy phép đăng ký kinh doanh (hoặc tương đương).
  2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện và công nghệ thu gom rác thải phải phù hợp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
  3. Địa điểm thu gom rác cần được cơ quan quản lý có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Các công trình bảo vệ môi trường cần đảm bảo. Khoảng cách của địa điểm thu gom rác cần đảm bảo phù hợp, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Người quản lý, điều hành cần có chứng chỉ liên quan hợp lệ…

–> Dựa vào quy định trên thì điều kiện thu gom rác bao gồm  điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần thuộc về doanh nghiệp thu gom rác thải sinh hoạt phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhân lực, phương tiện đáp ứng quy định. Điều kiện đủ là được chính quyền địa phương cho phép thu gom trên địa bàn qua phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ. Tùy vào đặc thù của địa phương mà các hình thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ sẽ khác nhau.

Điều 77 Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đối với hoạt động Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

  • Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. 
  • Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.
  • Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  • Việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật này; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Nhóm ngành thu gom rác thải không độc hại được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành, (có hiệu lực ngày 20/8/2018), theo đó:

3811 – 38110: Thu gom rác thải không độc hại

Nhóm này gồm:

– Thu gom các chất thải rắn không độc hại (rác từ nhà bếp) trong khu vực địa phương, như là việc thu gom các rác thải từ hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh bằng các túi rác, xe rác, thùng chứa, v.v… có thể lẫn lộn cả các nguyên liệu có thể giữ lại để sử dụng;

– Thu gom các nguyên liệu có thể tái chế;

– Thu gom dầu và mỡ ăn đã qua sử dụng;

– Thu gom rác thải trong thùng rác ở nơi công cộng;

– Thu gom rác thải từ công trình xây dựng và bị phá hủy;

– Thu gom và dọn dẹp các mảnh vụn như cành cây và gạch vỡ;

– Thu gom rác thải đầu ra của các nhà máy dệt;

– Hoạt động của các trạm gom rác không độc hại.

Loại trừ:

– Thu gom rác độc hại được phân vào nhóm 3812 (Thu gom rác thải độc hại);

– Hoạt động của khu đất cho tiêu hủy rác thải không độc hại được phân vào nhóm 3821 (Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại);

– Hoạt động của các cơ sở nơi mà nguyên, vật liệu có thể tái sử dụng đang ở dạng hỗn hợp như giấy, nhựa v.v… cần được phân loại riêng được phân vào nhóm 3830 (Tái chế phế liệu).

Related Posts