Quản lý rác thải, Tin tức

“Số hóa” việc phân loại rác và thu gom phế liệu

80% rác thải của các đô thị nước ta, do chưa được phân loại từ nguồn, nên thường được xử lý bằng cách chôn lấp, gây tác hại lâu dài đến môi trường. Đây là cơ hội phát huy tác dụng của những người thu gom phế liệu. Tuy nhiên, việc thu gom truyền thống tốn rất nhiều thời gian và công sức. Sử dụng công nghệ cao để hỗ trợ phân loại rác từ nguồn, liên kết mạng lưới, giúp người thu gom chủ động trong giao dịch,…GRAC là startup tiên phong nhằm giúp giải quyết tốt hơn vấn đề rác thải tại TP.HCM.

Quá trình đô thị hóa làm gia tăng đáng kể lượng rác thải phát sinh, từ rất nhiều nguồn và đa dạng về chủng loại. Nhu cầu thu gom rác thải, từ đó, cũng gia tăng theo. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã triển khai thành công các chương trình phân loại rác tại nguồn, vừa giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng được các nguồn nguyên liệu phục vụ công tác tái chế. Để làm được điều này, các quốc gia đã xây dựng mục tiêu, lộ trình cho chương trình phân loại rác tại nguồn một cách cụ thể và kiểm soát tốt quá trình tiến hành. Tùy theo đặc thù, và mục tiêu của mỗi nước mà có hướng phân loại nhằm phục vụ các chương trình của nước đó. Để hỗ trợ, nhiều giải pháp tổng thể, từ biện pháp hành chính (xử phạt việc xả rác, không phân loại,…) đến kinh tế (khuyến khích phân loại,…) đã được ban hành và áp dụng đồng bộ.

Đối với các quốc gia đang phát triển, chất thải phát sinh trong quá trình đô thị hóa cũng là bài toán nan giải. Mặc dù dành khá nhiều ngân sách cho hoạt động quản lý chất thải, nhưng thường các thành phố cũng chỉ thu gom được khoảng 50–80% rác do cư dân thải ra. Phần còn lại được thải ra đường sá, sông ngòi,…gây ô nhiễm không khí, đất đai, nguồn nước, đe dọa sức khỏe của con người.

Vai trò của khu vực phi chính thức trong phân loại rác và thu gom phế liệu

Một nghiên cứu trong năm 2020 của Phòng thí nghiệm Accelerator Lab (gọi tắt là AccLab) thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về khảo sát thí điểm nhằm đánh giá vai trò của khu vực tái chế phi chính thức ở Thành phố Đà Nẵng đã cho thấy, với khả năng bao phủ hơn 80% diện tích khu vực cần thu gom, lực lượng phi chính thức (cả những người thu gom phế liệu và cơ sở tập trung) có thể nâng tỷ lệ thu hồi phế liệu lên 7,5-9% trong tổng lượng rác (khoảng 1.100 tấn) được đưa đến bãi chôn lấp của Đà Nẵng mỗi ngày.Những người thu gom phế liệu trong khu vực phi chính thức (thường gọi là mua bán “ve chai”) đã góp phần giảm thiểu tác hại của rác thải ra môi trường qua việc thu gom các loại vật liệu có thể tái chế (như giấy, kim loại, chai nhựa). Họ nhặt phế liệu từ những bãi rác hoặc mua lại từ nhà dân, cửa hiệu,…rồi bán cho các cơ sở thu mua. Tại đây, phế liệu tiếp tục được phân loại, tập hợp và bán cho đại lý lớn hơn, rồi chuyển về các làng nghề hoặc doanh nghiệp để tái chế.

Mạng lưới “ve chai” và cơ sở tái chế không chỉ giúp xử lý vấn đề rác thải, mà còn có ý nghĩa nhân văn, tạo công ăn việc làm cho không ít người từ nông thôn ra thành phố, khi không còn đất canh tác. Rác thải sẽ trở thành tài nguyên nếu được thu gom, phân loại một cách hiệu quả và xử lý bằng công nghệ phù hợp. Mạng lưới thu gom phế liệu phi chính thức hiện đang làm rất tốt việc này.

Hỗ trợ khu vực phi chính thức thu gom phế liệu bằng công nghệ

Tại các quốc gia đang phát triển, mạng lưới thu gom phế liệu phi chính thức vẫn ngày càng mở rộng và phát huy tác dụng. Do vậy, nhiều ứng dụng công nghệ đã được tạo ra để phục vụ các hệ thống quản lý chất thải hiệu quả hơn.

Ví dụ, ứng dụng Hyperlokal của Kabadiwalla Connect (KC), một doanh nghiệp của Ấn Độ, đã hỗ trợ cả các hộ gia đình và doanh nghiệp thu gom phế liệu. Với hộ gia đình, Hyperlokal giúp kết nối với các “vựa” thu gom phế liệu gần nơi sinh sống để chuyển chất thải đến những nơi này. Với các doanh nghiệp thu gom, hệ thống này kết nối đến những khách hàng lớn hơn, qua ứng dụng hậu cần (logistics) và một nền tảng cho phép quản lý rác thải ở tất cả các giai đoạn (Hình 2).

Hình Nền tảng của Kabadiwalla Connect (Nguồn: Dịch từ bài viết “From trash to resource: How technology can help informal waste pickers solve India’s recycling problem”)

Ứng dụng Relix đã trở thành một kênh giao tiếp giữa cộng đồng và những người thu gom phế liệu, các “vựa” phế liệu; mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.Tại Brazil, dự án Relix hỗ trợ người thu gom phế liệu qua một ứng dụng dùng trên điện thoại thông minh. Với ứng dụng này, người thu gom có thể biết những nơi có phế liệu gần nhất, các “vựa” thu gom gần nhất và công cụ gọi đến người quản lý “vựa” để thu xếp thời gian thu gom.

Phân loại rác và thu gom phế liệu nhờ công nghệ tại TP.HCM

Với quy mô thải khoảng 7.000-8.000 tấn rác/ngày và đặc thù là chưa được phân loại, 80% rác thải tại các các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM được xử lý bằng cách chôn lấp, tác động lâu dài đến môi trường sinh thái. Do vậy, rác thải vẫn là đối tượng thu hút sự quan tâm, đầu tư của các nhà khoa học để tìm kiếm các giải pháp xử lý triệt để hơn. Bên cạnh những giải pháp thiên về mặt kỹ thuật xử lý (thiêu đốt, kết hợp phân hủy sinh học,…), đã ra đời những giải pháp nhằm thay đổi các quy trình, thói quen thông thường liên quan đến rác, vừa giúp phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu lượng rác thải cần xử lý, vừa tạo thêm thu nhập cho cộng đồng.

Phần mềm quản lý rác thải thông minh “GRAC tặng đồ và phân loại rác” là một ví dụ. Ra đời với mong muốn phân loại rác tại nguồn, giảm chi phí vận hành cho người thu gom rác, thanh toán online, công khai minh bạch các mức phí thu gom rác…, đây là một phần mềm số hóa mạng lưới thu gom rác và cung cấp các dịch vụ liên quan tại một số quận nội thành TP.HCM

Đối với người dân, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến rác cồng kềnh, phế liệu rất nhanh chóng, tiện lợi; tiền rác hàng tháng có thể đóng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua các cửa hàng tiện lợi, cổng thanh toán và ví điện tử thông dụng. Qua đó, thúc đẩy xu hướng thanh toán tiền điện, nước, rác tại nhà một cách dễ dàng và tiện lợi hơn. Với lực lượng thu gom “ve chai”, GRAC hỗ công việc thu mua phế liệu một cách nhanh chóng và tiện lợi, tiết kiệm được thời gian và công sức.

Có thể thấy, lượng rác thải gia tăng liên tục hàng năm đang trở thành vấn đề chung của nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để giảm thiểu ô nhiễm vì rác thải, việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải là chưa đủ, mà còn cần phải hướng đến việc nâng cao nhận thức đối với công tác phân loại rác thải tại nguồn. Các giải pháp công nghệ gần đây như GRAC,…đã tạo ra những công cụ thuận tiện, giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng hơn trong việc tham gia vào các hoạt động quản lý, phân loại rác thải tại nguồn, từ đó, góp phần giảm lưu lượng rác có thể tái chế đến các bãi chôn lấp, giảm áp lực cho các nhà máy đốt, góp phần hữu hiệu vào việc cải thiện môi trường sống của người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung, rất cần được nhân rộng.

Duy Sang

——————————————————————————–

Tài liệu tham khảo chính

Zeenab Aneez 11/5/17. From Trash to Resource: How Technology Can Help Informal Waste Pickers Solve India’s Recycling Problem. Retrieved from NextBillion: https://nextbillion.net/from-trash-to-resource-how-technology-can-help-informal-waste-pickers-solve-indias-recycling-problem/
[Coelho, T. R., Hino, M. R. M. C., & Vahldick, S. M. O. (2019). The use of ICT in the informal recycling sector: The Brazilian case of Relix. The Electronic Journal of Information Systems in Developing Countries.

Related Posts