Cụ thể là những khó khăn nào?
Thay đổi thói quen không dễ
Tại TP.HCM, một số địa phương như phường Bến Nghé, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), phường Tân Thới Hiệp (quận 12)… đã triển khai thực hiện phân loại rác thành 2 loại thời gian qua là rác hữu cơ và còn lại thì đang băn khoăn khi nghị định 54 quy định rác thành 3 loại gồm rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm; các loại chất thải rắn khác.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – trưởng ban đại diện khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão – cho biết người dân ở đây đã phân 2 loại rác trong hơn 5 năm qua. Khu phố đang chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng để triển khai hướng dẫn cho người dân vì nhiều hộ gia đình vẫn còn phân vân chưa biết phân loại như thế nào cho đúng và không bị phạt với quy định “có 3 loại rác”.
Chị Phạm Thị Hoài Thu (ngụ quận 1) cũng cho rằng phải triệt để xử lý được việc “gom chung” sau khi người dân đã kỳ công phân loại. “Nhiều người bức xúc vì việc gom chung này mà ngưng phân loại rác chỉ sau một tuần thực hiện”, chị Thu nói.
Ông Phạm Bảo Toàn, trưởng Phòng tài nguyên và môi trường quận Phú Nhuận, phân tích: “Luật bảo vệ môi trường yêu cầu phân thành 3 loại rác, TP.HCM đang thu 2 loại vì đang hướng tới công nghệ đốt. Các địa phương khác có thể phân làm 3 loại do họ còn xử lý rác theo cách chôn lấp cũ. Chia phân loại rác làm 2 loại thì tiện cho quận và người dân hơn, 3 loại thì phí tiền dán nhãn cho bao bì, mỗi thứ một màu. Còn 2 loại thì người dân cái gì bán được thì họ bán, còn lại thì họ để riêng cũng tiện cho thu gom”, ông Toàn phân tích.
Còn đại diện Phòng tài nguyên và môi trường quận Gò Vấp chia sẻ người dân cũng biết được là phải thực hiện phân loại rác nhưng việc này là thói quen nên phải cần thời gian để họ thay đổi. Trước đây TP hướng dẫn phân ra 3 loại rồi sau đó quyết định phân theo 2 loại, người dân đã mất thời gian làm quen rồi giờ thay đổi tiếp thì phải… tập lại.
“Khi chúng tôi tuyên truyền cho người dân thì họ phản ảnh chỗ xe vận chuyển chưa đồng bộ nên cần phải giải quyết được vấn đề phương tiện thu gom thì mới phân loại rác tại nguồn tốt được. Theo luật, nếu người dân không phân loại rác thì người thu gom được quyền từ chối thu gom. Nhưng khi đó sẽ phát sinh các đối tượng cố tình không thực hiện và sẽ đổ bậy ra môi trường”, vị này băn khoăn.
Chưa có nhiều nhà đầu tư nhận xử lý rác
Hội thảo do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp với Sở TN-MT TP Đà Nẵng tổ chức.
Là địa phương định hướng “TP môi trường”, ngay từ năm 2007 Đà Nẵng đã đi đầu phân loại rác thải tại nguồn. Qua từng năm, đến nay Đà Nẵng đặt mục tiêu trên 90% tổ dân phố triển khai phân loại rác tại nguồn và 85% hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả ở địa bàn khu dân cư trong năm 2022.
Vấn đề Đà Nẵng đang “đau đầu” trong khâu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bởi biện nay bãi rác duy nhất ở Khánh Sơn đã sắp đầy, trong khi các dự án xử lý chất thải rắn ở đây vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình kêu gọi nhà đầu tư. Việc tái sử dụng tài nguyên rác như nguyện vọng đề ra vẫn còn một khoảng cách và thời gian khá xa.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng dù đã có các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý đối với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng việc hướng dẫn triển khai còn thiếu và chưa cụ thể, kịp thời nên khó thực hiện trong thực tiễn, số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi rất ít.
Các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn còn thiếu và chưa đồng bộ chính là rào cản lớn nhất mà các dự án kêu gọi đầu tư ở bãi rác Khánh Sơn đang gặp phải.
Không có “lối ra” thì tác động ngược “lối vào”
GS.TS Bùi Văn Ga, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng hiện các dự án xử lý chất thải rắn ở cả nước gặp tình trạng khó khăn chung là không kêu gọi đầu tư được vì nhà đầu tư chưa thấy hiệu quả. Đặc biệt, trong việc xử lý chất thải rắn phải đảm bảo nguyên tắc thu hồi vật chất, thu hồi năng lượng, tránh biến từ ô nhiễm rác thành ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí.
Liên quan đến vấn đề thu gom, xử lý rác, nhiều đơn vị đề xuất việc nới thời gian tham gia các gói thầu dài hơn thay vì 3 năm như hiện nay. Bởi theo các doanh nghiệp, việc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc đối với loại hình chuyên biệt này cần có thời gian dài để thu hồi vốn.
Cần khung giá theo công nghệ thu gom, xử lý
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu – phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, Luật bảo vệ môi trường 2020 có sự điều chỉnh theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền. Tuy nhiên khi thực hiện việc phân loại chất thải rắn lại chưa cụ thể hóa được khung giá đối với việc vận chuyển, thu gom và xử lý.
“Chúng tôi cho rằng cần phải cụ thể hơn nữa cho từng loại rác, phương pháp xử lý… để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, thu gom nhưng vẫn đảm bảo chi phí vận hành” – bà Hiếu nói.
Cần Thơ mới khuyến khích
Theo UBND TP Cần Thơ, theo quy định chung bắt đầu từ tháng 8 xử phạt các trường hợp không phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên TP sẽ chưa xử phạt mà chỉ mới tuyên truyền nhắc nhở.
Ông Dương Tấn Hiển – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ – cho biết do hiện nay nhà máy xử lý đốt rác phát điện của TP không yêu cầu phân loại rác nữa, nên việc phân loại rác đầu nguồn ở hộ dân chưa đưa vào quy định bắt buộc xử phạt. TP vẫn tuyên truyền khuyến khích người dân phân rác sinh hoạt thành 3 loại (rác hữu cơ, vô cơ và rác không phân hủy) nhưng chỉ dừng ở mức khuyến khích, nhắc nhở.
“Việc xử phạt, chế tài sẽ được xây dựng theo lộ trình và phải có hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện”, ông Hiển nói.
L.PHAN – L.DUYÊN – TR.TRUNG (Theo: tuoitre.vn)
(Nguồn: tuổi trẻ online)