“Theo thông tin của sở Tài Nguyên Môi Trường, hiện nay TP HCM cũng đang ưu tiên chuyển việc xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt. Mục tiêu đến năm 2020, giảm lượng rác được chôn lấp từ 76% xuống 50%, và đến năm 2025 chỉ còn 20% rác được chôn lấp.”
Vụ việc mùi hôi thối bốc ra từ bãi xử lý rác thải Đa Phước là một dấu hiệu cảnh tỉnh nước ta trong vấn đề xử lý rác thải. Chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải kém hiệu quả nhất, khi so với các công nghệ và quy trình tiên tiến của Thuỵ Điển, Áo, Bỉ hoặc Nhật.
Chôn lấp rác thải không còn phù hợp
Mỗi ngày ở TP HCM có 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 5.000 tấn trong số đó được chuyển đến Đa Phước để chôn lấp. Sau 11 năm hoạt động, Đa Phước đã chôn lấp 13 triệu tấn rác với độ cao 27m – hơn ½ lượng rác dự kiến (24 triệu tấn) của bãi rác.
Gần đây khi gió Tây Nam thổi mạnh, mùi hôi thối của bãi rác lan tới Phú Mỹ Hưng và những vùng lân cận, làm người dân không thể ở nổi. Đây đang là vấn đề khiến các chuyên gia và quản lý TP HCM đang đau đầu tìm cách giải quyết.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, xử lý rác bằng cách chôn lấp không thể tránh khỏi việc bốc mùi.
Vì vậy, ngoài việc khắc phục mùi bằng các cách như tăng cường xịt các hóa chất, bố trí thời gian xử lý và thời gian tiếp nhận một cách hợp lý, không tập trung vào 1 thời điểm để giảm mùi hôi. Thì còn phải nhanh chóng tìm công nghệ xử lý rác thay thế.
Theo dòng lịch sử, chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải rắn đầu tiên và cổ xưa nhất của loài người, được áp dụng từ năm 320 trước công nguyên. Tuy nhiên hiện nay, chôn lấp rác thải được coi là hạ sách, khi nó rất lạc hậu và kém hiệu hiệu quả.
Trên Thế Giới, rác thải cũng là một vấn đề gây nhiều phiền toái. Nhưng cũng có các Quốc gia hết sức thành công trong việc quản lý rác thải, điển hình là Thuỵ Điển, Áo, Bỉ và Nhật.
Thuỵ Điển – Quốc gia phải nhập khẩu rác để xử lý
Lượng rác thải cần phải chôn lấp ở Thuỵ Điện chỉ chiếm khoảng 1%. Còn lại, 47% được tái chế và 52% được đốt để sản xuất nhiệt và điện.
50% lượng điện năng tiêu thụ của Thuỵ Điển đến từ năng lượng tái tạo. Họ thiết lập mạng lưới đốt rác để thu lại nguồn điện, hoà vào mạng điện Quốc gia.
Trong mùa đông lạnh buốt, họ cũng có mạng lưới đốt rác được bố trí theo từng quận, để truyền nhiệt năng, sưởi ấm đến từng hộ gia đình.
Để đáp ứng “nhu cầu về rác” rất lớn này, người dân Thuỵ Điển đã và đang thực hiện theo một quy trình phân loại rác rất khoa học, kể từ những năm 1970.
Tuy nhiên lượng rác trong nước vẫn không đủ, Thuỵ Điển còn phải nhập khẩu rác từ các nước khác. Trong năm 2015, họ đã nhập khẩu 1,5 triệu tấn rác, và dự đoán năm 2020 họ sẽ nhập khẩu 2,3 triệu tấn rác.
Đây là một chính sách thông minh, Thuỵ Điển không những tận dụng rất tốt “tài nguyên rác”, mà còn được các nước lân cận trả tiền để “sử dụng” rác hộ.
Áo – Quốc gia tái chế rác bằng công nghệ sinh học tân tiến
Áo là một Quốc gia nhỏ bé đã làm được những điều to lớn trong việc xử lý chất thải. Nổi bật nhất trong hệ thống xử lý rác thải của Áo là công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET.
Trong khi cả Thế Giới đang phải bó tay vì rác thải nhựa – giải pháp tái chế PET hiện giờ là đốt chảy hoặc nghiền nhỏ, vốn có chất lượng sau tái chế rất kém. Một công ty ở Áo đã phát triển một giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzim một loại nấm để tái chế nhựa PET. Dưới tác động của enzim, nhựa PET sẽ bị phân huỷ thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao.
Cùng với nhiều công nghệ tiên tiến khác, Áo, Bỉ và Đức hiện đang là 3 Quốc gia tái chế rác hiệu quả nhất trên Thế Giới.
Bỉ – Quốc gia với hệ thống quản lý rác từ trước khi được thải ra
75% rác của Bỉ được tái sử dụng, tái chế hoặc ủ phân – con số cao nhất Thế Giới. Tài nguyên của họ dường như được tái sử dụng mãi mãi.
Họ có 2 quy trình quản lý rác thải cực kỳ tiên tiến: Ecolizer và Sự kiện xanh.
Ecolizer là hệ thống trên web để quản trị việc sản xuất, đảm bảo lượng rác thải thấp và sạch. Hệ thống tính toán quá trình sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng, năng lượng và xử lý chất thải, giúp các nhà sản xuất có thể đánh giá được tác động môi trường mà sản phẩm của họ sẽ gây ra.
Từ đó đề xuất những cải tiến trong quy trình và trong khâu thiết kế sản phẩm, làm giảm hệ quả xấu tới môi trường.
Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong thiết kế, ta có thể giảm lượng nguyên liệu và rác thải đáng kể. Ví dụ, khi cần xách 1 ly cafe mang đi, sử dụng một bao nilon chữ T sẽ tiết kiệm và bảo vệ môi trường gấp vài lần so với bao nilon thông thường. Và khi lượng ly cafe lên tới vài triệu, lượng nhựa cần để sản xuất và thải ra môi trường sẽ giảm cực kỳ lớn.
Sự kiện xanh cũng là một hệ thống quản lý trên web tương tự như Ecolizer, nhưng đối với những sự kiện. Hệ thống này giúp đánh giá lượng rác thải mà sự kiện có thể gây ra, những cách thức để giảm rác thải trong sự kiện, và thậm chí danh sách những nơi cho thuê dao kéo tái sử dụng.
Họ làm mọi thứ để giảm rác thải từ trong trứng nước.
Nhật – Quốc gia đốt rác thải hiệu quả nhất
So với các nước Châu Âu, Nhật Bản không phải là Quốc gia đi đầu về tái chế rác thải. Nhưng họ là Quốc gia đi đầu trong việc phân loại rác và xử lý rác hiệu quả.
Rác thải của Nhật được quản lý rất có chiều sâu. Bắt nguồn từ ý thức phân loại rác, và đổ rác đúng nơi của người dân. Cho đến việc đốt rác thải một cách triệt để bằng công nghệ CFB (Công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi).
Công nghệ này xử lý rác bằng cách vùi rác vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò, cùng một số hóa chất khác để tiêu hủy rác. Rác bên trong lò sẽ được đối lưu liên tục, và sẽ bị tiêu huỷ hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu cứng đầu nhất.
Không chỉ vậy, công nghệ này cũng giúp lượng khí thải như NO và NO2 giảm đi rất nhiều, cùng giá thành rẻ hơn những loại hình khác. Lượng nhiệt năng sau khi đốt cũng được sử dụng để sản xuất điện.
Không quá cầu kỳ, phức tạp và rất hiệu quả, nên hiện nay đã có nhiều nước trên thế giới nhập khẩu công nghệ này của Nhật Bản như: Trung Quốc, Thái Lan, và Singapore.
Kinh nghiệm nào cho chúng ta?
Trước tiên ta phải thấy rằng điểm chung của những Quốc gia xử lý rác thải hiệu quả là đến từ ý thức phân loại rác, và đổ rác đúng nơi quy định của người dân. Nếu không có ý thức này, mọi công nghệ xử lý rác là vô ích. Đa Phước từ lúc được xây dựng cũng có một quy trình để tái chế rác thải, nhưng không thể sử dụng được vì nguồn rác đầu vào không được phân loại.
Vệ công nghệ, để bắt chước theo các Quốc gia châu Âu thì có vẻ còn khá xa. Công nghệ đốt rác của Nhật Bản là phương pháp khả thi để theo đuổi nhất hiện giờ.
Theo thông tin của sở Tài Nguyên Môi Trường, hiện nay TP HCM cũng đang ưu tiên chuyển việc xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt. Mục tiêu đến năm 2020, giảm lượng rác được chôn lấp từ 76% xuống 50%, và đến năm 2025 chỉ còn 20% rác được chôn lấp. Tuy chưa chắc công nghệ nào sẽ được áp dụng, nhưng đây đã là một bước cải tiến lớn trong việc xử lý rác thải ở nước ta
(Nguồn https://doimoisangtao.vn/news/2018/7/7/nhng-cng-ngh-x-l-rc-thi-tin-tin-trn-th-gii)