Phân loại rác, Tin tức

Câu chuyện văn hóa phân loại rác ở Hàn Quốc

Mình là Thu Hương – mình đi du học Hàn Quốc được 3 năm. Khoảng thời gian sống và học tập tại đây thời gian đầu thật sự rất khó khăn nhưng vô cùng ý nghĩa. Bạn đã nghe đến “văn hóa” phân loại rác của Hàn Quốc chưa? Đây sẽ là câu chuyện cực kỳ thú vị mình muốn chia sẻ với các bạn sau đây.

“Cú sốc” văn hóa đầu tiên

Trước khi sang Hàn Quốc mình đã học tiếng Hàn 2 năm và có chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK 4. Sau một thời gian trau dồi kỹ năng giao tiếp, mình đã đến trung tâm tư vấn du học  để nghe hướng dẫn về việc chuẩn bị hồ sơ cá nhân. Nhờ sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của các tư vấn viên mình đã nhanh chóng được Đại sứ quán cấp visa, ngay lập tức mình đã chuẩn bị tinh thần, sức khỏe, đồ đạc cần thiết để bay đến đất nước Hàn Quốc xinh đẹp này.

Trong khi học tiếng Hàn, mình dành rất nhiều thời gian xem phim Hàn, tìm hiểu về văn hóa, lối sống, thói quen sinh hoạt của họ để chuẩn bị cho chuyến du học. Mình đã nghĩ mình hoàn toàn có đủ khả năng tiếng Hàn và các kỹ năng mềm để bắt đầu một cuộc sống mới tại đây. Tuy nhiên sau 2 ngày ở đất nước này, mình đã gặp những rắc rối đầu tiên và bị sốc vì quy định đổ rác và phân loại rác cực kỳ nghiêm ngặt. Chắc hẳn nhiều bạn du học sinh Hàn cũng gặp phải khó khăn này.

Vẫn biết Hàn Quốc là đất nước có nền kinh tế phát triển, cách sống hiện đại và đề cao những quy tắc, quy định nhưng thời gian đầu mình vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều thùng rác to nhỏ, đủ màu đặt cạnh nhau.

Người Hàn thường không phải tự tay đi đổ rác nhưng phải dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để phân loại rác theo thành phần. Không giống người Việt Nam chúng ta chỉ gom rác chung một chỗ kể cả là thức ăn chín, sống hay vỏ ni lông, túi bóng, hộp nhựa.

“Văn hóa” phân loại rác của Hàn Quốc

Mình hỏi cô giáo chủ nhiệm ở lớp (tại Hàn) và được cô giải thích rằng: Hàn Quốc là một quốc gia có diện tích nhỏ, không có nhiều đất để chôn rác thải, vậy nên chính phủ luôn chú ý đến vấn đề phân loại và tái chế lại rác thải hàng ngày.

Tại đất nước Hàn Quốc, ở những nơi công cộng có rất ít thùng rác. Việc làm này nhằm nhắc nhở người dân phải có ý thức trong việc xử lý và phân loại rác thải.

Các du học sinh Việt sang Hàn, cần bắt buộc phải nắm được những quy định về việc đổ rác như cách phân loại rác, các loại rác thải được đựng ở túi màu nào – chữ nào, giờ nào được đổ rác… Nếu phân loại rác không đúng túi quy định, có thể bạn sẽ không được vứt rác đi thậm chí là bị phạt hành chính.

Túi đựng rác ở Hàn Quốc được chia ra làm 3 loại chính là:

1. Loại túi rác thải tái chế được

+ Rác thải tái chế là những loại vỏ hộp, chai, lọ, túi nilon, giấy viết…

+ Những vật dụng như: Màn hình cũ, máy tính, máy in, bàn phím, đồng hồ,  thiết bị trò chơi, quạt điện, bàn là,… và các thiết bị điện máy, điện tử nhỏ khác. Tất cả loại rác này sẽ được đặt chung với các rác thải tái chế và được thu dọn không mất phí.

Lưu ý: Riêng đối với rác thải tái chế, bạn phải làm sạch trước khi vứt. Đương nhiên, là bạn không để lại thức ăn còn bên trong, còn chai nhựa thì phải tháo nút và bóc nhãn…

2. Loại túi dành cho thực phẩm

+ Rác thực phẩm là những loại rác liên quan đến đồ ăn như: Thức ăn thừa, rau củ quả không ăn được, đồ ăn hỏng.

+ Thức ăn không thể tái sử dụng như thức ăn dành cho động vật sẽ bị loại khỏi mục rác thải thực phẩm.

3. Loại túi rác thường

+ Rác thường là loại rác không có khả năng tái chế như: Thảm trải sàn, nồi cơm, chai lọ thuốc, băng đĩa nghe nhìn, đồng hồ, bình đựng nước, khung cửa sổ, găng tay, chổi, các sản phẩm bằng nhựa composite, sản phẩm điện tử…

+ Rác thải có kích thước lớn không có túi đựng như: Tủ, bàn, ghế, máy giặt, giường… khi vứt đi thì phải trả phí.

+ Những vật dụng lớn như: Máy nóng lạnh, nội thất, đồ điện tử, … sẽ phải trả phí từ 2.000W đến 15.000W (từ 40.000 – 300.000 VND) cho mỗi thứ tùy vào kích thước lớn nhỏ.

4. Các loại túi rác khác

+ Nếu như quần áo vứt đi thì phải được để trong túi riêng. Tuyệt đối không được để lẫn các sản phẩm bằng vải khác như: Gấu bông, gối… Nếu như đôi giày bạn bị hỏng muốn vứt đi bạn phải để theo đôi trong các túi riêng biệt hoặc buộc vào để tránh bị mùi hoặc lộn xộn.

+ Những đồ dùng đặc biệt như: Điện thoại di động, pin, bật lửa… và những vật dụng dễ cháy nổ phải được bọc bên ngoài bằng lớp vải dày hoặc dán giấy cảnh báo; thuốc uống chưa sử dụng (vẫn còn hạn) thì phải mang trực tiếp đến các trung tâm cộng đồng hoặc mang trả lại cho nhà thuốc.

Quy định khi vứt rác ở Hàn Quốc

– Một đặc điểm chung của thực phẩm ở đất nước này là chúng hầu hết đều là đồ lên men, do đó thường có mùi rất nồng. Chính vì thế, thực phẩm được đặt ra làm một loại rác thải riêng biệt, với cách xử lý và quy định vứt cũng riêng. Đối với thức ăn thừa, hay rác thực phẩm như vỏ hải sản, hạt, xương, lông động vật, bã chè, tương, cải muối, kim chi thừa… phải xử lý như sau: Thực phẩm bỏ đi phải được để ráo nước và được cho vào những chiếc túi đặc biệt có tên là Eum-shik-mool (음식물) và Sseulaegi Bongtu (쓰레기 봉두)

+ Khi để rác vào túi, người dân nhớ phải để đúng chỗ. Hàn Quốc sử dụng một hệ thống có tên là Jongnyangje. Mục đích của hệ thống này là để thu thập và xử lý rác thải sinh hoạt theo cách quy củ và thân thiện với môi trường nhất. Khi có rác, hệ thống này chia rác thải ra thành nhiều hạng mục nhỏ khác nhau và tùy với mỗi mục sẽ có mức phạt riêng nếu người dân không tuân thủ.

+ Vứt rác tại Hàn Quốc phải tuân thủ theo giờ quy định. Nếu vứt sai giờ sẽ bị phạt hoặc cảnh cáo và rác sẽ bị từ chối. Người dân sẽ được cung cấp lịch vứt rác cho từng tháng với ngày thu gom rác tái sử dụng riêng, ngày dành cho các vật dụng lớn riêng. Nếu không thực hiện theo quy định này người dân có thể bị phạt lên đến 300.000W ( khoảng 5,7 triệu VND).

+ Việc để rác vào túi lại phụ thuộc vào quy định của mỗi quận và chỉ áp dụng tại quận đó. Tuyệt đối, không mang rác từ quận này sang đổ lẫn vào quận khác.

Nếu mọi người kể cả người nước ngoài hay du học sinh không tuân thủ những quy định này thì rác sẽ bị trả lại, bị phạt tiền, bị cảnh cáo kỷ luật và phải nghe những lời chỉ trích từ hàng xóm mỗi ngày nữa.

Nếu bạn là du học sinh Việt khi đi du học hãy tuân thủ những quy định vứt rác này. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc, tiến bộ chúng ta cần học hỏi. Vì vậy nếu muốn hòa nhập với cuộc sống của xứ sở kim chi thì việc ưu tiên bạn cần làm đó là… học đổ rác! Nếu đến đây, bạn hãy học tập và tạo lập cho mình những quy tắc sống thật tốt, thật phù hợp để cuộc sống ở Hàn Quốc thêm thuận lợi và tạo được hình ảnh tốt đẹp của con người Việt Nam với người dân tại đây.

Related Posts