Sáng ngày 22 /11/2021, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi Greentech – Sáng kiến, giải pháp, mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2020.
Lễ trao giải được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và các điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng.
Tìm giải pháp để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như tận dụng nguồn tài nguyên này luôn là chủ đề nóng được các cấp, ngành và các nhà khoa học quan tâm. Thông qua cuộc thi GreenTech, nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt mang giá trị thực tiễn cao đã được phát hiện và lan tỏa.
Phần mềm quản lý rác thải thông minh Grac đạt giải nhất cuộc thi Greentech
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết, cuộc thi Cuộc thi Greentech – Sáng kiến, giải pháp, mô hình giảm thiểu và xử lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2020 được phát động từ tháng 12 năm 2019, với mong muốn tìm ra những giải pháp khả thi, hiệu quả cao trong giảm thiểu, xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Từ cuộc thi này, việc tìm ra và nhân rộng các giải pháp này sẽ góp một phần nào đó cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và đặc biệt là nâng cao ý thức của cộng đồng trong giải quyết vấn đề do chất thải rắn sinh hoạt gây ra.
Sau hơn một năm diễn ra, Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng, tổ chức chính trị – xã hội cũng như các tầng lớp học sinh, sinh viên, cho đến các trung tâm nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, môi trường, phần mềm… Từ đó có thể thấy rằng việc bảo vệ môi trường dường như đang trở thành một hoạt động, một phong trào của toàn dân.
Cuộc thi Greentech năm 2020 do Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT phát động vào ngày 27//12/2019 với mong muốn tìm ra những giải pháp khả thi, hiệu quả cao trong giảm thiểu, xử lý, quản lý CTR sinh hoạt, góp phần cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như ý thức của cộng đồng trong giải quyết vấn đề do CTR sinh hoạt gây ra. Sau 1 năm triển khai, Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của đông đảo quần chúng, tổ chức chính trị – xã hội cũng như các tầng lớp học sinh, sinh viên, cho đến các trung tâm nghiên cứu những lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, môi trường, phần mềm… với tổng cộng 212 bài dự thi, đề tài phong phú và đa dạng. Từ đó có thể thấy rằng, việc BVMT dường như đang trở thành một hoạt động, một phong trào của toàn dân. Sau quá trình sơ loại, 178 bài dự thi đã được tham gia vòng Sơ khảo, tiếp đó, 52 bài dự thi vinh dự lọt vào vòng Chung khảo. Quá trình chấm bài dự thi của Hội đồng Chung khảo đã diễn ra nghiêm túc và chọn ra 17 bài dự thi xuất sắc nhất để trao giải: Hạng mục I: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba; Hạng mục II: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba; Hạng mục III: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba.