Bỏ rác là một trong số việc mà người nước ngoài ở Nhật cảm thấy rắc rối khi sống ở Nhật. Chúng tôi sẽ giới thiệu cơ bản về quy định bỏ rác ở Nhật như “phân loại rác như thế nào?”, “có phải mua túi đựng rác không?”. Việc bỏ rác có nhiều quy định, nhưng nếu quen rồi thì không vấn đề gì!
Một trong số những việc khiến người nước ngoài cảm thấy bối rối khi ở Nhật đó là cách bỏ rác. Ví dụ nhiều bang của nước Mỹ họ chỉ phải phân loại rác thành 3 loại là “rác tái chế” “rác sinh hoạt” và “rác cây cỏ”.
Thế nhưng phần lớn các tỉnh thành của Nhật, ngoài phân loại “rác có thể đốt” như giấy vụn, còn phân nhỏ hơn như “báo/tạp chí”, “đồ nhựa”, và còn quy định cụ thể ngày bỏ rác cho từng loại. Cũng có nơi có yêu cầu về túi đựng rác.
Phân loại rác và cách bỏ rác khác nhau tùy theo mỗi địa phương. Văn phòng quận hoặc văn phòng thành phố có phát sổ tay hướng dẫn “quy định bỏ rác” bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung cho người nước ngoài sống tại Nhật.
Bạn có thể nhận sổ tay đó, hoặc hỏi hàng xóm cách bỏ rác, để nắm được quy định phân loại rác tại nơi mình đang sống nhé.
Cách phân loại rác?
Mỗi địa phương quy định chi tiết cách phân loại rác khác nhau, tuy nhiên ở Nhật thường chia rác thành 4 loại lớn: “rác có thể đốt (rác dễ cháy)”, “rác không thể đốt (rác khó cháy)”, “rác tái chế“, “rác cỡ lớn“.
Phân loại rác chính | |
Rác có thể đốt | Rác nhà bếp, giấy vụn, vải quần áo |
Rác không thể đốt | Kim loại, thủy tinh, sành sứ |
Rác tái chế | Chai pet, bình, can, giấy báo |
Rác cỡ lớn | Đồ gia dụng cỡ lớn |
Rác từ các hộ gia đình gồm rác thực phẩm hay giấy vụn chủ yếu là rác có thể đốt. Rác không thể đốt là kim loại hay thủy tinh, rác này không thể tái chế. Cốc thủy tinh hay chảo rán cũng thuộc loại này. Ở Nhật người ta thu gom rác tái chế như chai pet, bình, hộp, để tái chế.
Rác cỡ lớn bao gồm đồ điện gia dụng hoặc đồ gia dụng cỡ lớn. Tuy nhiên, theo “luật tái chế đồ điện gia dụng” nhằm khuyến khích tái chế đồ điện gia dụng, có quy định chính quyền địa phương sẽ không thu gom đồ điện gia dụng như máy điều hòa, tivi, tủ lạnh, máy giặt,…
Bạn cần phải thanh toán phí tái chế khoảng 1,000~6,000 yên, cửa hàng thu mua sẽ tới thu gom cho bạn, hoặc bạn phải tự mình mang tới “địa điểm giao dịch chỉ định” gần nhà.
Trong 4 loại rác chính, khi bỏ rác tái chế bạn sẽ cần phải phân loại chi tiết hơn. Sau đây chúng ta sẽ xem cụ thể phân loại rác tái chế nhé.
Phương pháp phân loại rác tái chế
Ví dụ trường hợp ở các đô thị, cụ thể là ở quận Shinjuku có nhiều người nước ngoài sinh sống, rác tái chế được phân loại như sau
Phân loại rác tái chế ở quận Shinjuku | |
Chai, lọ | Chai, lọ đựng nước giải khát, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc nước |
Lon, hộp | Lon, hộp thép hoặc nhôm đựng đồ uống, thực phẩm |
Chai PET | Chai PET đựng đồ uống, rượu, dấm mirin, nước tương |
Bình xịt | Bình xịt, bình ga, pin khô |
※Tham khảo: “Cách bỏ rác là chai lọ, lon hộp, bình xịt, bình ga, pin khô” tại quận Shinjuku
Ngoài ra, cũng có nơi chỉ định quần áo và sách báo là rác tái chế, có nơi chỉ định bình xịt là rác không thể đốt.
Rác tái chế có nhiều loại, nhưng khi bỏ rác không gom chung vào một túi, mà phải phân chia từng loại là chai PET, chai lọ, lon hộp.
Trường hợp bạn sống trong căn hộ hoặc chung cư, bạn sẽ phải phân loại thành các giỏ như ảnh phía trên.
Để không bị mất thời gian phân loại rác tại nơi bỏ rác vào ngày thu rác, chúng tôi khuyên các bạn nên phân loại sẵn theo loại như chai lọ, lon hộp.
Túi đựng rác chỉ định?
Khi bỏ rác, chủ yếu là rác có thể đốt, bạn nên sử dụng túi đựng rác.
Tại 23 quận ở Tokyo, không sử dụng túi đựng rác chỉ định, mà khuyến khích sử dụng “túi nilon có thể nhìn được bên trong (túi trong suốt, túi bóng mờ, không dễ bị rách)“.
Kích thước tiêu chuẩn lên đến 45 lít. Ngoài loại túi được bán ở siêu thị hay cửa hàng 100 yên, bạn cũng có thể sử dụng túi ở quầy thu ngân của siêu thị cũng được.
Ngoài 23 quận của Tokyo, thì thành phố Chofu hay Machida có quy định túi rác chỉ định. Túi rác chỉ định được bán tại đại lý bán lẻ hoặc cửa hàng tiện lợi tại khu vực. Giá cả khác nhau tùy độ lớn, khoảng chừng 80~800 yên/ 10 chiếc.
Ngay cả ở Kansai và Kyushu những năm gần đây nhiều chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu sử dụng túi rác chỉ định. Các bạn nên chú ý tại các địa phương này sẽ không thu rác nếu không phải là rác đựng trong túi rác được chỉ định.
Bỏ rác ở đâu?
Địa điểm và cách bỏ rác có 2 loại là “bãi gom rác tập trung” và “gom rác tận nhà“.
Bãi gom rác tập trung chủ yếu là khu vực để rác được bố trí ở khu dân cư tập trung như chung cư, căn hộ. Ở khu vực có ít người sống, chỗ gom rác tập trung bố trí ở ven đường. Vì đó là địa điểm mà cư dân sử dụng chung, nên các bạn hãy sử dụng sạch sẽ nhé.
Ngược lại, rác được để ngay trước nhà của các hộ gia đình, sau đó công nhân vệ sinh đi tới từng nhà một để gom rác, đây gọi là hình thức gom rác tận nhà.
Thời gian bỏ rác?
Rác được bỏ vào các ngày do địa phương quy định. Ví dụ, rác có thể đốt bỏ vào thứ 4, rác không thể đốt bỏ vào thứ 6, mỗi khu vực lại quy định vào các thứ khác nhau.
Ngay cả cùng một tỉnh thành, mỗi khu vực, mỗi phố có ngày thu gom rác khác nhau. Các bạn nên nắm được lịch bỏ rác ở khu vực mình đang sống nhé. Lịch thu gom rác mỗi khu vực đều có, cho nên khi chuyển đến các bạn nên xin lịch gom rác bên văn phòng hành chính địa phương.
Một số loại rác như rác cỡ lớn, bạn nên liên lạc trước với trung tâm gom rác cỡ lớn, để quyết định ngày bỏ rác.
Thời gian bỏ rác thường là khoảng 8:00 sáng. Cũng có nơi quy định “không được bỏ rác trước ngày thu gom rác”. Khi đó các bạn hãy cố gắng bỏ rác vào sáng của ngày thu gom rác.
Hãy nắm rõ quy định bỏ rác của khu vực
Bỏ rác ở Nhật có nhiều quy định, tuy nhiên nếu quen rồi bạn thấy không có vấn đề gì cả.
Gần đây, có nhiều địa phương làm các bản hướng dẫn hoặc đưa lên trang chủ HP nội dung bằng tiếng nước ngoài, để giới thiệu một cách dễ hiểu về quy định, phân loại rác dành cho người nước ngoài. Các bạn hãy xác nhận quy định tại địa phương để thực hiện đúng nhé.